Cộng đồng nhiếp ảnh đã từng xảy ra khá nhiều vụ “lùm xùm” liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Từ những người nổi tiếng chụp ảnh bên một bức tranh nghệ thuật đường phố để quảng bá cho một thương hiệu mà chưa có sự đồng ý của tác giả bức tranh. Cho tới cuộc tranh chấp giữ một hãng xe sang với một nhóm nghệ sĩ bích họa. Tất cả đều là vấn đề mang tính toàn cầu. Dấy lên những cuộc tranh luận về việc sản phẩm trí tuệ của một ai đó, có thể sử dụng cho mục đích thương mại tại những nơi nào và vào thời điểm nào.
Đây là chủ đề quan trọng được các nhiếp ảnh gia thương mại quan tâm. Đặc biệt là những người đăng ký bản quyền tác phẩm trên mạng. Để tránh gây hiểu lầm về vấn đề này, cộng đồng 500px đã soạn một bộ câu hỏi để các thành viên tự nghiên cứu, trước khi đăng tải các bức hình có bản quyền lên trang 500px. Đây là một vài trong số những lý do phổ biến nhất, khiến bức ảnh của bạn không được duyệt để sử dụng cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, chỉ cần bạn dành đủ thời gian để tìm tòi và quen với quá trình đăng ký bản quyền ảnh, đây sẽ chỉ còn là chuyện “đơn giản như đan rổ”.
Quyền tài sản có thể giúp các nhiếp ảnh gia, nhà phân phối cũng như các khách hàng tránh gặp phải những rắc rối liên quan đến bản quyền tác giả.
Bức ảnh có phải tài sản tư hữu hay không? Nếu có, liệu tác giả có nhận ra nó hay không?
Bất kỳ tài sản tư hữu nào, từ nội thất trong nhà cho tới khu vực thi đấu thể thao hay trung tâm thương mại nhộn nhịp, đều cần được cấp quyền. Đặc biệt nếu ai cũng dễ dàng nhận ra nó là gì, kể cả khi khu vực đó chỉ nằm trong nền phía sau và không phải chủ thể của bức ảnh. Đội ngũ 500px giải thích: “Bất kỳ ai sở hữu, thuê hay cho thuê một tài sản bất kỳ đều có thể ký tên lên tờ nhượng quyền tài sản”.
Gần như trong bất cứ trường hợp nào, nội thất trong nhà cũng cần được cấp quyền tài sản, chỉ trừ một vài ngoại lệ. Nếu cắt đi một phần bức ảnh hoặc làm phông nền đủ mờ để không ai có thể nhận ra địa điểm đó, bạn có thể không phải quá lo lắng về vấn đề nhượng quyền.
Tuy nhiên, mặc dù bạn có thể cảm thấy khu vực xuất hiện trong ảnh của mình đã đủ “chung chung khó nhận biết” hay bạn đã làm mờ hậu cảnh. Nhưng nếu chủ sở hữu có thể nhận ra đó là tài sản của họ, họ vẫn có thể yêu cầu bạn bồi thường. Khu vực đó không phải chỉ có nội thất bên trong nhà, mà còn cả khu phố, các tòa cao ốc thương mại, sân vườn, nhà kho, hay bất kỳ khu vực nào thuộc sở hữu của tư nhân. Những địa điểm tâm linh như chùa, đình, nhà thờ tuy không phải nơi công cộng nhưng bạn cũng cần được cấp phép nếu muốn chụp ảnh thương mại.
Mặc dù bản thân bức ảnh được chụp ở nơi công cộng, chẳng hạn như một góc phố, nhưng bạn có lẽ vẫn cần xin cấp quyền tài sản nếu chủ thể của bức ảnh là ngoại thất của một tòa nhà thuộc quyền sở hữu tư nhân. Dù vậy, nhiều ảnh chụp tòa nhà không được phép sử dụng với mục đích thương mại, chẳng hạn như ảnh chụp bên ngoài Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, …
Trong một số trường hợp đặc biệt, bạn vẫn có thể chụp tòa nhà hay cao ốc, miễn là đó không phải chủ thể của bức ảnh mà chỉ là một phần nhỏ trong bức ảnh chụp thành phố. Ví dụ, bạn có thể chụp Vòng quay Thiên niên kỷ (London Eye) hay tòa nhà Chrysler khi những công trình này chỉ là một phần nhỏ trong bức ảnh chụp đường chân trời cùng vô vàn các tòa nhà khác.
Nếu bạn chụp ảnh cây cầu hay các tòa nhà, hãy nhớ luôn kiểm tra cả khu vực xung quanh. Nếu có ít hơn 3 tòa nhà và mỗi tòa nhà đều được coi là chủ thể của bức ảnh, bạn vẫn cần phải xin cấp quyền tài sản kể cả khi đó không phải là một công trình nổi tiếng.
Bức ảnh này có được chụp tại địa điểm yêu cầu vé tham quan, khu nghỉ dưỡng hay những nơi tương tự như vậy?
Nếu bạn cần mua vé hay có giấy cấp phép để vào được một khu vực. Rất có thể bạn sẽ không thể xin cấp phép sử dụng những bức ảnh chụp trong đó với mục đích thương mại. Mặc dù đôi khi bạn vẫn có thể xin được giấy cấp quyền tài sản khi chụp ảnh tại bảo tàng, phòng triển lãm, sở thú, vườn thực vật hay công viên giải trí, nhưng tốt nhất bạn vẫn nên tránh những địa điểm này. Tương tự với khách sạn và khu nghỉ dưỡng.
Nói chung, khi muốn chụp tại các địa điểm như vậy. Bạn nên chuẩn bị sẵn từ trước để chắc chắn rằng nơi đó có khả năng được cấp quyền tài sản. Hoặc cố gắng tránh tối đa những chi tiết dễ nhận biết trong những bức ảnh của mình.
Trong ảnh này có tác phẩm nghệ thuật nào không?
Các tác phẩm nghệ thuật, dù là tranh tường đường phố hay các bức hình thiết kế được đặt trong nhà riêng, đều được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ của tác giả. Nếu bức ảnh của bạn có chứa một bức tranh, ảnh, quyền sách, tác phẩm điêu khắc.., bạn nên xin cấp quyền tài sản nếu muốn sử dụng ảnh với mục đích thương mại.
Đội ngũ 500px đã khuyên rằng: “Bạn nên hết sức cảnh giác khi chụp ảnh, vì chỉ cần có một chi tiết trang trí nhỏ xuất hiện trong bức ảnh thôi, bạn cũng có thể phải xin cấp quyền tài sản. Hình xăm cũng thường bị nhiều người bỏ quên khi nói tới vấn đề này”. Bạn có thể đã từng được nghe qua về sự cố năm 2016, khi mà những người sáng tạo ra một trò chơi bóng rổ đã minh họa hình của một vài cầu thủ kèm theo cả hình xăm của họ, và sau đó nhóm này đã bị khởi kiện.
Nhìn chung, một người có hình xăm trên cơ thể cũng đã phải trả tiền bản quyền cho nghệ sĩ vẽ nên hình xăm đó. Nhưng trong nhiều trường hợp, những vị khách này không được phép sử dụng hình xăm với mục đích thương mại. Điều đó có nghĩa là kể cả khi đã có quyền được sử dụng hình ảnh của người mẫu trong các sản phẩm của mình, bạn vẫn cần phải xin cấp phép từ tác giả của những hình xăm trên người mẫu đó.
Nếu bạn không thể tìm thấy tác giả, tốt nhất là bạn nên tránh sử dụng những hình ảnh đó trong sản phẩm của mình. Hoặc nếu có thì hãy cắt, làm mờ hoặc chỉnh sửa trong quá trình hậu kỳ ảnh để không ai nhận ra đó chính xác là gì.
Một điều khó có thể tránh khỏi là nhiều vấn đề có thể sẽ phát sinh đối với những chi tiết bị mờ trong bức ảnh. Và việc xin cấp quyền tài sản trong những trường hợp này có thể sẽ trở thành vấn đề gây tranh cãi. Bạn nên thật cẩn thận khi chụp ảnh, hãy chú ý tới từng chi tiết, tìm hiểu kỹ về chúng trước khi chụp ảnh và chắc chắn rằng bạn đã xin được quyền tài sản trước khi đưa những sản phẩm của mình lên sàn thương mại.