Bố cục cân bằng trong nhiếp ảnh và những điều có thể bạn chưa biết

Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức ảnh với bố cục cân bằng một cách hoàn hảo trên mạng xã hội với những hashtag nổi bật như #symmetricalmonsters, #symmetrykillers hay #symmetryhunters trên Instagram.

Trọng lượng thị giác (visual weight)

Các nhà tâm lý học nhận thức như Rudolf Arnheim (1904-2007) đã dành hàng thập kỷ để nghiên cứu về sự cân bằng trong nghệ thuật. Tuy nhiên ở đây, chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản rằng sự cân bằng, một phần nào đó, bị ảnh hưởng bởi trọng lượng thị giác (đơn giản hơn, có thể hiểu nôm na là mức độ thu hút của một vật).

Trọng lượng thị giác của một vật có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm các yếu tố chính sau: 

  • Kích cỡ. Đối tượng lớn hơn có vẻ nặng hơn.

  • Màu sắc. Đối tượng màu đỏ nặng hơn đối tượng màu xanh lam. Màu đậm nặng hơn nhạt.

  • Độ chi tiết. Đối tượng được lấy nét trong một bức ảnh có thể nặng hơn những đối tượng không sắc nét. Đối tượng nhiều chi tiết nặng hơn đối tượng ít chi tiết.

  • Vị trí trong khung ảnh. Trọng lượng của một đối tượng cũng thay đổi tùy theo vị trí của nó trong khung ảnh. Các đối tượng ở gần các cạnh có vẻ nặng hơn các đối tượng ở gần tâm.

  • Nhóm. Các đối tượng riêng lẻ có vẻ nặng hơn những đối tượng được nhóm gần gũi với những đối tượng khác

  • Hình khối. Các hình dạng thông thường có nhiều khả năng cho cảm giác nặng hơn các hình dạng bất thường.

Bố cục của bức ảnh được coi là cân bằng khi được chia làm hai phía giống hệt nhau hoặc có trọng lượng thị giác tương đương nhau, nhờ đó mà cả hai phía đều có thể thu hút mắt nhìn của chúng ta với mức độ như nhau. 

Ngược lại, khi bố cục không cân bằng, một phía của bức ảnh sẽ có trọng lượng thị giác cao hơn so với phía còn lại. Cả hai kiểu bố cục này đều có những điểm mạnh nhất định, tùy vào phong cách và ý nghĩa mà nhiếp ảnh gia muốn truyền tải thông qua bức ảnh của mình.

Ở trong rất nhiều tác phẩm, bức ảnh thể hiện sự cân bằng đến hoàn hảo, đặc biệt là cân bằng hai bên, khi mà bố cục bức ảnh được chia đôi và có trọng lượng thị giác được chia đều nhau ở hai phía. Vì bản thân cơ thể chúng ta cũng có sự đối xứng, nên những tác phẩm nhiếp ảnh như vậy thường sẽ rất thu hút đối với con người chúng ta.

Cân bằng đối xứng (symmetrical balance/formal balance)

Cân bằng đối xứng (hay đôi khi còn được gọi là cân bằng chính thức) được coi là “xuất phát điểm” của rất nhiều người “chân ướt chân ráo” bước vào sự nghiệp chụp ảnh cân bằng. Gần giống với những gì đã được đề cập ở phía trên, một bức ảnh cân bằng đối xứng là khi bên trái và phải của bức ảnh gần như giống hệt nhau. 

Thực ra không phải lúc nào hai phía của bức ảnh cũng đối xứng nhau một cách hoàn hảo (tính theo từng pixel), nhưng những bức ảnh đối xứng như vậy xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ khuôn mặt con người, các công trình kiến trúc cho đến cảnh quan thiên nhiên.

Trong bức ảnh phía trên, nhiếp ảnh gia đã ứng dụng cân bằng đối xứng để diễn tả sự tĩnh lặng của đầm hoa súng.

Cân bằng đối xứng không hẳn là quy tắc mà mọi nhiếp ảnh gia phải thực hiện, nhưng trong những trường hợp cần thiết, đây lại là công cụ rất sáng tạo và đáng để vận dụng. 

Những tác phẩm có bố cục đối xứng thường đem đến cảm giác nhẹ nhàng và bình yên. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bố cục này trong các tác phẩm mang tính tôn giáo. 

 

Cân bằng mảnh ghép – nhịp điệu (mosaic balance)

Khi nói tới cân bằng, người ta cũng nghĩ tới cân bằng ghép mảnh (mosaic balance). Những bức ảnh với bố cục kiểu cân bằng ghép mảnh thường giống với các thiết kế hay tác phẩm nghệ thuật trừu tượng (chẳng hạn như các bức tranh của Jackson Pollock). Chúng “quyến rũ” người xem bằng những chi tiết hình thù và màu sắc lặp lại một cách cân bằng.

Cân bằng hướng tâm (radial balance)

Cân bằng hướng tâm đôi khi được coi là giống với cân bằng đối xứng. Các tác phẩm cân bằng hướng tâm thường có bố cục tròn với tâm bắt đầu từ trung tâm của bức ảnh. 

Chúng ta có thể tìm thấy bố cục này ở nhiều vật khác nhau, chẳng hạn như bông hoa, ốc biển, trong các tòa nhà hay vệt sao chạy trên bầu trời (star trails). Vì vậy, cân bằng hướng tâm vẫn luôn được các nhiếp ảnh gia chụp ảnh thiên nhiên và kiến trúc tin tưởng và áp dụng.

Tại sao người ta chọn áp dụng quy tắc một phần ba thay vì cân bằng đối xứng?

Đó là vì có rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh áp dụng quy tắc một phần ba nhưng có bố cục không đối xứng. Bố cục những bức ảnh đó không đối xứng, nhưng cả hai phía của bức ảnh vẫn có trọng lượng thị giác tương đương nhau. Để có một tác phẩm như vậy, nhiếp ảnh gia có thể kết hợp các yếu tố được đề cập phía trên (kích cỡ, màu sắc, kết cấu…)

Chẳng hạn như với bức ảnh phía trên, chủ thể của bức ảnh đứng ở phía bên phải. Điều này có thể khiến mắt chúng ta phân tâm và không tập trung vào trung tâm bức ảnh nữa. Tuy nhiên, chiếc váy đỏ bên trái lại tạo ra điểm nổi bật ở phía đối diện, khiến bức ảnh năng động nhưng lại rất cân bằng.

Ngoài ra, chiếc váy cũng tạo ra sự đối xứng với bức tường đỏ ở phía sau. Nếu trong bức ảnh không có chiếc váy đó, trọng lượng thị giác sẽ rơi về phía bên phải – nơi có cả người mẫu lẫn bức tường đỏ. 

Tương tự với bức ảnh phía trên, hình ảnh đứa trẻ chạy ra từ phía bóng tối nằm ở phía bên phải bức ảnh. Vậy nhưng nhờ hình ảnh hai đứa trẻ khác nhỏ hơn và ngồi trong phòng sáng, nhiếp ảnh gia đã tạo ra sự cân bằng cho bức ảnh. 

Nếu bị cắt bỏ đi chi tiết ô vuông ánh sáng nơi có hai đứa trẻ đang chơi đùa, bức ảnh sẽ gần như… nghiêng hẳn về bên phải. Ảnh cân bằng là như vậy, mọi chi tiết trong tác phẩm đều không thừa thãi và có một dụng ý nào đó.

Bố cục không cân bằng liệu có ý nghĩa?

Đương nhiên, tất cả những điều trên không phải để chứng minh rằng các nhiếp ảnh gia sẽ chẳng bao giờ chụp những bức ảnh với bố cục không cân bằng. Ngược lại, bố cục không cân bằng thậm chí còn có thể rất “quyền lực” nếu được áp dụng một cách hợp lý. 

Một trong những tác phẩm gây xôn xao dư luận nhiều nhất là bức The Falling Soldier (Người lính gục ngã) của phóng viên Robert Capa trong Cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Rõ ràng là ai nhìn vào cũng có thể nhận thấy bố cục của bức ảnh không cân bằng: phía bên trái là hình ảnh người chiến sĩ vừa bị đạn bắn và hy sinh, còn bên phải không có gì ngoài bầu trời và khoảng đất trống.

Thông thường, sự cân bằng trong bố cục có thể giúp dịu bớt cảm giác sợ hãi, nhưng đó không phải là những gì Capa đã làm. Người ta đồn rằng Capa thậm chí còn không nhìn vào kính ngắm của máy ảnh khi chụp bức hình đó. 

 

Chẳng có gì ở phía đối diện với người chiến sĩ trong bức ảnh, không cây không cỏ, không chim muông hay mặt trời. Nhưng cũng có thể trong bối cảnh bạo lực như thế này thì việc tạo ra một bố cục cân bằng sẽ không phù hợp. Kiểu bố cục này không phổ biến trong giới nhiếp ảnh, nhưng nó thực sự có thể đem lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Trong bức ảnh The remnants of childhood (Dư âm tuổi thơ) phía trên, Sameer Al-Doumy cũng làm điều tương tự. Bức ảnh là một phần trong tư liệu về Cuộc Nội chiến ở Syria do Sammer Al-Doumy thực hiện. 

Trong bức ảnh, chú gấu bông lớn màu hồng sáng là chủ thể, khiến trọng lượng thị giác của bức ảnh rơi vào phía bên phải nhiều hơn. Bố cục không cân bằng này đem lại cảm giác đổ vỡ và bất ổn, mà trong trường hợp này là tuổi thơ tan vỡ giữa những cuộc xung đột. 

Trên thực tế, sự cân bằng trong nhiếp ảnh đôi khi cũng có thể mang tính chủ quan. Có nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến trọng lượng thị giác và tính cân bằng của bố cục trong bức ảnh. Ví dụ, nỗi sợ hãi hay niềm mong mỏi của cá nhân có thể tác động tới nhận thức của chúng ta về sự cân bằng. 

Bố cục cân bằng hay không cân bằng là điều quan trọng vì nhiếp ảnh gia có thể tận dụng chúng để truyền tải ý nghĩa lớn lao hơn tới người xem. Mỗi khi ta nhìn vào một bức ảnh nào đó, nhận thức và những trải nghiệm cá nhân sẽ giúp ta hiểu hơn thông điệp của tác giả qua tác phẩm. 

Vì nhiếp ảnh và tâm lý học nhận thức vẫn không ngừng phát triển, vậy nên chúng ta có thể khám phá ra những cách mới mẻ để thành thạo hơn trong việc vận dụng bố cục cân bằng hay không cân bằng trên sự nghiệp nhiếp ảnh. 

Mỗi lần chụp ảnh, bạn có thể chụp thử một vài góc khác nhau và đưa vào máy tính để nghiên cứu. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn “cắt xén” để điều chỉnh lại bố cục, hay chỉnh sửa một chút màu sắc, thay đổi độ đậm nhạt hay độ bão hòa màu để tạo sức hút cho những vùng cụ thể nào đó trong bức ảnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *