Phân biệt giữa quay phim và làm phim

Phân biệt giữa quay phim và làm phim đang là chủ đề thu hút khá nhiều sự quan tâm. Cùng là một video với mục đích giống nhau nhưng thực tế không phải chúng đều được sản xuất theo 1 quy trình.

Quay phim là gì?

Quay phim là một hình thức sử dụng các thiết bị thông minh hoặc máy quay và các thiết bị phụ trợ như Gimbal, Tripod nhằm ghi lại các hoạt động, sự vật, sự việc diễn ra để lưu giữ kỉ niệm.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu lưu giữ hình ảnh trong các dịp đặc biệt như cưới hỏi hay các sự kiện, hội nghị cũng cao hơn, do vậy quay phim phát triển và trở thành một nghề dịch vụ…

 

 

Làm phim là gì?

Mới nghe qua sẽ rất nhiều người nhầm lẫn làm phim là quay phim, có lẽ bởi sản phẩm của cả 2 cách thức này đều là định dạng video. Tuy nhiên, thực tế làm phim đòi hỏi người tham gia phải có những kiến thức và kỹ thuật nhất định chứ không chỉ đơn thuần là ghi lại các hoạt động đời thường. 

Hiểu một cách đơn giản, làm phim là một quá trình kết hợp bởi nhiều yếu tố âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật quay,.. được tạo thành bởi một ekip gồm nhiều người đảm nhiệm các vị trí chức năng khác nhau như đạo diễn, tổ chức sản xuất, quay phim, họa sĩ,…

Sự khác nhau giữa quay phim và làm phim

Sự khác biệt về nội dung

Nếu như quay phim có thể “ngẫu hứng” với các cảnh quay đời thường hoặc chỉ đơn giản là một chuỗi các hoạt động hay câu chuyện kể đơn thuần thì làm phim đòi hỏi có sự đầu tư về nội dung, ý tưởng, truyền tải một thông điệp hoặc thể hiện một ý nghĩa nhân văn nhất định nào đó. 

Thông thường, làm phim chuyên nghiệp sẽ bao gồm các bước theo quy chuẩn như: Tiếp nhận Brief từ khách hàng, định hướng sáng tạo nội dung, phát triển concept, idea và xây dựng kịch bản chi tiết, kịch bản phân cảnh.

nội dung được xây dựng phải đảm bảo sự thống nhất, có sự kết nối, xoay quanh chủ đề ban đầu. Để có thể tạo ra được một kịch bản hấp dẫn, người làm nội dung cần có sự đầu tư, sáng tạo và tạo ra những nút thắt – mở hợp lý, lôi cuốn.

Các sản phẩm được tạo ra trong quá trình làm phim sẽ đòi hỏi cao hơn về mặt thẩm mỹ với nội dung thiết thực, có ý nghĩa. Một số sản phẩm sẽ mang tính nghệ thuật và thể hiện những ẩn ý riêng của doanh nghiệp hoặc người làm nội dung.

Sự khác biệt về kỹ thuật

Tùy từng mục đích hay điều kiện cá nhân mà người quay phim sử dụng các dòng máy quay khác nhau. Thông thường với các video đơn giản hay phục vụ nhu cầu cá nhân, gia đình, các máy quay cầm tay, nhỏ gọn, giá thành ở mức trung bình rất được ưa chuộng như Sony HDR PJ, Canon Vixia HF200, GoPro HERO3 Black Edition,.. hoặc sử dụng các thiết bị thông minh sẵn có, được cài đặt sẵn các thiết bị camera thông minh như Iphone X, Samsung Galaxy S10

Ngoài thiết bị quay, các sản phẩm hỗ trợ đơn giản khác thường được sử dụng như chân máy, thiết bị chống rung: Tripod, Gimbal, MonoPod,…

Đối với dịch vụ làm phim chuyên nghiệp, để đảm bảo có những thước phim có độ phân giải 2k, 4k hoặc video dữ liệu dưới dạng RAW có chất lượng tốt nhất thì yêu cầu các thiết bị được sử dụng thường phải là những máy quay chuyên dụng. Các sản phẩm này thường là những máy quay khá đồ sộ, đáp ứng được những chức năng hiện đại như chíp cảm biến CMOS độ phân giải cao, đem lại hình ảnh rõ ràng, sắc nét, thậm chí là ở cả trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi, thiếu ánh sáng; hay các ống kính zoom tích hợp chức năng kiểm soát vòng ống kính riêng và phóng to, các ống kính có thể sử dụng trong chế độ tự động với trình điều khiển servo…

Không chỉ có các thiết bị quay hiện đại, việc tạo nên một shot quay đẹp, chất lượng với các thước phim sống động, chân thực cũng cần rất nhiều các thiết bị và ekip hỗ trợ khác như:

  • Các thành viên sản xuất: nhà sản xuất, đạo diễn, quản lý sản xuất, diễn viên, trợ lý âm thanh, ánh sáng, D.O.P,…
  • Các thiết bị thu âm trực tiếp, thu âm hiện trường, mic gài, thiết bị hỗ trợ ánh sáng, kỹ thuật ánh sáng, thiết bị phụ trợ (dolly, Boom, Flycam, Steadicam,…), thiết kế bối cảnh,…

Như vậy có thể thấy quá trình làm phim có sự đầu tư công phu về thiết bị, kỹ thuật và cũng đòi hỏi những người tham gia cần có trình độ, kiến thức chuyên môn cũng như con mắt nhìn đầy “nghệ thuật”

 

 

Kết luận

Đừng bao giờ nhầm lẫn giữa những người quay phim đơn thuần và những người làm phim chuyên nghiệp. Bởi sự đầu tư về nội dung và kỹ thuật, thiết bị sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm cuối cùng và tiêu tốn những chi phí hoàn toàn khác nhau. Đó là điều dễ hiểu khi mà cùng là một TVC quảng cáo nhưng có những sản phẩm được sản xuất với mức kinh phí chỉ từ 20 đến 30 triệu nhưng có những sản phẩm lại tiêu tốn đến 200 -300 triệu của người sản xuất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *